Trồng rau không cần đất, tiết kiệm 98% nước, giảm 70% phân bón, có thể ăn trực tiếp: Câu chuyện về loại rau diếp thần kỳ Nhật Bản

Trồng rau không cần đất, tiết kiệm 98% nước, giảm 70% phân bón, có thể ăn trực tiếp: Câu chuyện về loại rau diếp thần kỳ Nhật Bản

Tại Singapore, các kỹ sư đang làm việc trong một nhà máy công nghệ tự động của Panasonic được giao thêm một nhiệm vụ mới là… trồng rau. Nhà sản xuất hàng điện tử này bắt đầu thử nghiệm phát triển trang trại trong nhà từ tháng 6 năm 2014 để xem mức độ khả thi của việc sử dụng công nghệ cao trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

“Tận dụng chuyên môn của các kỹ sư, nhà máy và công nghệ, Panasonic có thể trồng những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, ổn định nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường”, Fizzah Rahman – Giám đốc truyền thông của Panasonic Asia Pacific cho biết.

Trang trại rộng 248m2, sản xuất ra 3,6 tấn rau xà lách sạch mỗi năm.

Panasonic chỉ là một trong số hàng loạt công ty công nghệ cao đang phân bổ nguồn lực sang ứng dụng nông nghiệp.

Toshiba bắt đầu trồng những loại rau sạch như rau diếp, rau chân vịt, đậu tương trong những nhà máy sản xuất điện tử bỏ không tại Nhật Bản từ năm 2013. Trang trại trong nhà sử dụng đèn huỳnh quang, hệ thống kiểm soát nhiệt độ và điều khiển từ xa để theo dõi mức độ phát triển của cây. Rau xanh sẽ được bán thông qua các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng và Toshiba dự đoán doanh thu hàng năm từ mảng này sẽ đạt 300 triệu yen (tương tương 1,74 triệu bảng Anh).

Trong năm 2013, Sharp cũng đã ra mắt một trang trại trồng dâu tây trong nhà tại Dubai sử dụng công nghệ tiên tiến để theo dõi không khí, nhiệt độ, độ ẩm với mục tiêu sử dụng rất ít nông dân.

Sau khi Fujitsu loại bỏ mảng sản xuất chất bán dẫn tại nhà máy của họ ở Aizu Wakamatu, Nhật Bản vào năm 2009, nhà cung cấp dịch vụ IT quốc tế đã quyết định dựa vào đòn bẩy nền tảng công nghệ điện toán đám mây "cây nhà lá vườn" Akisai để tấn công vào lĩnh vực... trồng rau. Tập đoàn này đã thu hoạch 3.500 cây rau diếp mỗi ngày từ trang trại được cải thiện từ nhà máy cũ rộng 2.000 m2.

Tại nhà máy của Fujitsu – các công nhân mặc áo phòng thí nghiệm và đeo mặt nạ để đảm bảo môi trường vô trùng trong khu vực trồng rau. Ngoài ra thay vì đất, các loại rau tại đây sẽ lớn lên nhờ nước tưới theo công nghệ nhỏ giọt mang theo các chất dinh dưỡng.

Trồng rau theo cách này giúp giảm lượng kali – rất phù hợp với thực tế ngày càng nhiều người Nhật lớn tuổi mắc bệnh thận tại Nhật Bản.

Những điều kiện trồng cấy được kiểm soát chặt chẽ giúp nâng cao chất lượng rau diếp đáng kể theo người phát ngôn của Fujitsu là Rishad Marquardt. “Rau diếp được trồng trong điều kiện này có vị ngon hơn, không đắng như loại rau diếp thông thường”.

Điều đáng nói là giá bán của những sản phẩm được trồng trong trang trại công nghệ cao không chênh lệch nhiều so với những sản phẩm thông thường và hơn nữa lại có lợi thế về môi trường to lớn.

Với sự hỗ trợ của ánh sáng, nhiệt độ, nông sản được trồng trong các trang trại trong nhà vẫn duy trì được giá trị dinh dưỡng cao dù sử dụng ít hơn 98% lượng nước, 70% lượng phân bón và hoàn toàn không có thuốc trừ sâu như những sản phẩm thông thường.

“Trồng rau diếp trong môi trường này sẽ tạo ra một sản phẩm cực kỳ sạch có thể được ăn luôn khi bỏ ra khỏi túi mà không cần rửa”, Marquardt nói. Rau cũng có thể được trồng nhanh gấp 2,5 lần so với trong môi trường thông thường.

Tại Nhật Bản, Mirai Inc đang vận hành một trang trại trong nhà được cải tiến từ nhà máy chất bán dẫn cũ của Sony sử dụng đèn LED được phát triển bởi GE để tối đa mức độ phát triển của cây. Chri sau vài tháng hoạt động, trang trại này đã thu hoạch được 10.000 cây rau diếp mối ngày. Những bóng đèn chiếu sáng trong trang trại kiểu này tiêu hao ít hơn 40% điện năng so với bóng đèn huỳnh quang, theo Kimura Tomoaki – Tổng giám đốc GE Lighting Nhật Bản.

Với mục tiêu nâng cao an toàn thực phẩm cho thế giới – Panasonic đang đặt mục tiêu sản xuất ra 5% tổng lượng rau tiêu thụ tại Nhật Bản trong năm 2017.

Trong khi đó, Toshiba hy vọng có thể cung cấp cả những trang thiết bị cho các trang trại trồng rau công nghệ cao còn GE đang hợp tác với Mirai để cung cấp bóng điện trong nhà tại Nga và Trung Quốc.

Cuối cùng, Panasonic đang lên kế hoạch nhượng quyền công nghệ trồng cấy trong nhà. Mục tiêu là bán gói “giải pháp nông nghiệp tổng thể” vào năm 2017. “Từ góc độ quản lý, chúng tôi dự đoán mảng kinh doanh này có thể chứa tiềm năng phát triển mạnh”.

Nguồn: cafebiz

Đăng ký nhận tin tức, chương trình khuyến mại, mẹo vặt hằng ngày